Tin tức - Sự kiện

Siêu âm ổ bụng để làm gì? Những thông tin quan trọng mà bạn nên biết

Hiện nay, việc thăm khám các cơ quan tại vùng ổ bụng không chỉ đơn thuần dựa trên các triệu chứng bệnh nhân mắc phải và các bước thăm khám lâm sàng, bên cạnh đó các bác sĩ thường chỉ định cho bệnh nhân thực hiện siêu âm ổ bụng để kiểm tra toàn diện dựa trên hình ảnh sóng siêu âm. Đây là một trong những kỹ thuật hiện đại, không xâm lấn cung cấp các thông tin cần thiết phục vụ công tác khám chữa bệnh. Bài viết sau đây sẽ phân tích chi tiết hơn về phương pháp này và giải quyết câu hỏi được nhiều người thắc mắc siêu âm ổ bụng để làm gì?
MỤC LỤC BÀI VIẾT

Siêu âm ổ bụng là gì?

Siêu âm ổ bụng là phương pháp chẩn đoán cận lâm sàng sử dụng sóng siêu âm để ghi nhận hình ảnh các cơ quan nội tạng bên trong ổ bụng, từ đó có thể quan sát được cấu trúc, hoạt động cũng như những dấu hiệu bất thường hỗ trợ chẩn đoán bệnh lý chính xác hơn. Siêu âm ổ bụng là kỹ thuật được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên khoa với các bước thực hiện đơn giản và quá trình thăm khám chỉ mất từ 15 – 30 phút, hoàn toàn không xâm lấn và không gây đau đớn cho bệnh nhân. Kết quả siêu âm sẽ được in và trả ngay sau khi bác sĩ thực hiện khám, dựa vào đây các bác sĩ sẽ nắm rõ tình trạng các cơ quan bất thường hay bình thường, là cơ sở để chỉ định một số bước cận lâm sàng khác nhằm tìm ra nguyên nhân gây bệnh.

hình ảnh siêu âm ổ bụng
Hình ảnh siêu âm ổ bụng do bác sĩ chuyên khoa thực hiện

Siêu âm ổ bụng để làm gì?

Siêu âm ổ bụng được sử dụng khá phổ biến trên lâm sàng nhằm kiểm tra sức khỏe và tầm soát bệnh tại nhiều cơ quan khác nhau như gan, hệ sinh dục, hệ tiêu hóa, hệ bài tiết, đường mật, tuyến tụy, tiết niệu… và các bệnh lý khác liên quan đến hệ động mạch bụng. Tùy theo mức độ phức tạp của bệnh và yêu cầu của các tiêu chí chẩn đoán bệnh mà các bác sĩ sẽ chỉ định nhiều kỹ thuật siêu âm khác nhau đảm bảo cung cấp hình ảnh rõ nét và chi tiết nhất, đem đến kết quả thăm khám tin cậy, chính xác.

siêu âm ổ bụng
Siêu âm bụng chẩn đoán bệnh tại nhiều cơ quan khác nhau trong ổ bụng

Trường hợp nào cần siêu âm ổ bụng tổng quát

Trước khi hiểu được siêu âm ổ bụng để làm gì, chúng ta cần nắm rõ những trường hợp cần chỉ định siêu âm. Siêu âm ổ bụng tổng quát là phương pháp đơn giản, cùng một lúc có thể kiểm tra được nhiều cơ quan khác nhau trong ổ bụng, do đó thường được chỉ định trên lâm sàng khi bệnh nhân có kèm theo các triệu chứng sau đây:
  • Đau bụng râm ran nhiều ngày có khi đau dữ dội: đau bụng là một trong những triệu chứng phổ biến cho thấy có bất thường tại nhiều cơ quan khác nhau trong ổ bụng, tùy theo vị trí xuất hiện cơn đau có thể liên quan đến bệnh lý tiêu hóa, đường mật, hệ sinh dục hay tiết niệu… Khi thăm khám, bác sĩ sẽ kiểm tra vị trí đau bằng cách ấn vào bụng để khám sơ bộ, đồng thời chỉ định siêu âm để xác định chính xác vùng đau, cơ quan bị ảnh hưởng.
  • Tiêu hóa kém, rối loạn tiêu hóa: là dấu hiệu rất phổ biến không chỉ xuất phát từ các rối loạn hệ đường ruột, dạ dày mà còn liên quan đến các bệnh lý đường mật, do đó siêu âm là phương pháp duy nhất giúp xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh.
  • Chán ăn: dựa trên hình ảnh siêu âm để đánh giá hoạt động của hệ tiêu hóa khi xuất hiện dấu hiệu chán ăn.
  • Nôn ói, sụt cân: đây là triệu chứng không điển hình liên quan đến nhiều bệnh lý khác nhau tại ổ bụng – nơi chứa nhiều cơ quan quan trọng duy trì hoạt động của cơ thể. Để xác định chính xác bệnh lý có liên quan không thể chỉ dựa trên khám lâm sàng mà thông thường bệnh nhân sẽ được chỉ định siêu âm tổng quát.
  • Sờ hoặc cảm nhận thấy khối u trong bụng: siêu âm không chỉ gíup đánh giá được hoạt động và cấu trúc của các cơ quan, dựa vào hình ảnh hiển thị bác sĩ còn có thể phát hiện các khối u và hình dạng của chúng, từ đó hỗ trợ sàng lọc khối u ác tính và đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả.

trường hợp cần siêu âm ổ bụng
Đau bụng là dấu hiệu thường được chỉ định kiểm tra bằng phương pháp siêu âm

Kết quả siêu âm ổ bụng cho biết điều gì?

Siêu âm ổ bụng để làm gì hay kết quả của kỹ thuật này cung cấp thông tin gì là điều mà ai cũng nên biết, dựa trên hình ảnh siêu âm được ghi nhận thông qua hệ thống đầu dò, các bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán bệnh lý tại nhiều cơ quan quan trọng trong ổ bụng như:
  • Bệnh lý về gan: viêm gan, xơ gan, gan nhiễm mỡ, áp xe tại gan hay phát hiện các khối u lành hoặc ác tính…
  • Các bệnh lý hệ sinh dục: u xơ tử cung, u nang buồng trứng, ứ mủ vòi trứng, ung thư buồng trứng, viêm tuyến tiền liệt, ung thư tiền liệt tuyến…
  • Các bất thường về hệ tiêu hóa: viêm ruột thừa, viêm ruột non, tình trạng xoắn ruột, khối u hệ tiêu hóa…
  • Bệnh lý đường mật như: sỏi mật, viêm túi mật, polyp mật, nổi u hoặc bị dị dạng đường mật…
  • Các bất thường ở tuyến tụy: bệnh tụy bẩm sinh, khối u ở tụy, viêm tụy cấp và mãn tính,…
  • Các bệnh lý ở đường tiết niệu: u, tắc nghẽn, dị dạng ống tiết niệu, sỏi niệu quản, viêm bàng quang, viêm thận, ung thư thận, ung thư bàng quang, sỏi bàng quang, sỏi thận…
  • Bệnh lý ở lách: u hạch, lympho lách, viêm lách…
  • Bệnh lý phúc mạc: xơ phúc mạc, u sau phúc mạc…
  • Đánh giá hệ động mạch bụng, phát hiện phình động mạch chủ bụng…
Chỉ dựa trên một bước cận lâm sàng cơ bản là siêu âm đã có thể chẩn đoán được nhiều bệnh lý khác nhau cũng như quan sát và kết luận về hoạt động của nhiều hệ cơ quan trong ổ bụng, tuy nhiên để đưa ra kết luận chính xác về các bệnh lý cũng như nguyên nhân gây bệnh, các bác sĩ cần chỉ định thêm một vài xét nghiệm khi có các dấu hiệu nghi ngờ qua hình ảnh siêu âm.

kết quả siêu âm ổ bụng
Bác sĩ tư vấn về kết quả siêu âm bụng

Những điều cần biết trước khi siêu âm ổ bụng

Trước khi siêu âm ổ bụng mọi người cần nắm rõ một số thông tin liên quan đến quy trình siêu âm cũng như những thứ cần chuẩn bị để quá trình thăm khám trở nên nhanh chóng và có kết quả chính xác hơn. Một vài thông tin hữu ích sau đây sẽ hỗ trợ người bệnh trước khi thực hiện siêu âm bụng bao gồm:
  • Hiểu rõ về quy trình siêu âm ổ bụng diễn ra như thế nào?
Siêu âm bụng sẽ được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa với các bước thực hiện tương đối đơn giản, trong quá trình thăm khám, bệnh nhân chỉ cần nằm theo tư thế thích hợp để bác sĩ thuận tiện thao tác. Thông thường bệnh nhân sẽ được yêu cầu nằm ngửa trên giường bệnh, cũng có thể nằm nghiêng hoặc đổi tư thế khác tùy theo hướng dẫn của bác sĩ.

quy trình siêu âm ổ bụng
Quá trình siêu âm bụng được thực hiện nhanh chóng

Quá trình siêu âm ổ bụng sẽ sử dụng gel bôi lên vùng da cần thăm khám để đảm bảo đầu dò tiếp xúc an toàn với cơ thể bệnh nhân và hạn chế túi khí giữa đầu dò và da làm cản trở sóng siêu âm. Bác sĩ chuyên khoa sẽ sử dụng lực để điều khiển đầu dò di chuyển kiểm tra các bộ phận bên trong ổ bụng, thông thường áp lực này không gây đau đớn hay khó chịu cho bệnh nhân. Siêu âm sử dụng đầu dò phát sóng siêu âm, không sử dụng các phóng xạ ion hóa do đó khá an toàn đối với bệnh nhân. Việc thăm khám sẽ kết thúc trong vòng 15 – 30 phút, lượng gel thừa sẽ được bôi sạch và hầu như không khi ố hay bẩn quần áo bệnh nhân.
Nắm rõ được quy trình siêu âm sẽ giúp bệnh nhân có tâm lý thoải mái hơn, khi đó quá trình thăm khám sẽ diễn ra một cách thuận lợi và nhanh chóng nhất. Kết quả sẽ được in ngay sau khi siêu âm xong và bệnh nhân sẽ được bác sĩ tư vấn, giải thích rõ về kết quả này.
  • Cần nắm rõ một số lưu ý trước khi siêu âm bụng
Trước khi siêu âm bụng, bệnh nhân cũng cần nắm một số lưu ý để đảm bảo yêu cầu khi thăm khám và tránh làm mất thời gian, những thông tin này không phải ai cũng nắm đầy đủ do đó nên tham khảo thật kỹ để có sự chuẩn bị chu đáo nhất:
  • Bệnh nhân nên lựa chọn trang phục rộng, thoải mái để dễ dàng cho việc thăm khám hơn.
  • Trước khi thực hiện siêu âm nên nhịn tiểu từ 30 phút trở lên để bàng quang căng phồng dễ dàng quan sát các bộ phận khác bên trong ổ bụng. Tuy nhiên cũng không nên cố uống quá nhiều nước khiến dạ dày bị giãn nở ảnh hưởng đến việc kiểm tra.
  • Trường hợp được chỉ định siêu âm túi mật cần nhịn ăn từ 6 tiếng trở lên, nếu siêu âm sau khi ăn có thể khiến túi mật thu nhỏ gây khó khăn cho việc quan sát và có thể bỏ sót các tổn thương nhỏ.
  • Đối với siêu âm đầu dò âm đạo được thực hiện ở nữ giới đã quan hệ tình dục cần phải tiểu sạch không còn nước tiểu trong bàng quang mới thực hiện siêu âm được.
  • Các yếu tố liên quan đến béo phì, thức ăn trong dạ dày hoặc có không khí trong ruột đều ảnh hưởng đến kết quả siêu âm, tốt nhất bệnh nhân nên ăn nhẹ bằng các thực phẩm dễ tiêu hóa trước khi siêu âm, cũng cần chú ý hạn chế ăn thức ăn nhiều dầu mỡ, khó tiêu hóa.
  • Lựa chọn siêu âm vào buổi sáng sẽ cho kết quả chính xác hơn vì thức ăn sau một đêm đã tiêu hóa hết khi đó bụng đói sẽ giúp việc thăm khám dễ dàng và chính xác.

lưu ý trước khi siêu âm ổ bụng
Lưu ý nhịn ăn từ 6h nếu siêu âm túi mật

Những câu hỏi xoay quanh vấn đề siêu âm ổ bụng

Bên cạnh các thông tin hữu ích vừa liệt kê bên trên vẫn còn rất nhiều thắc mắc khác nhau về phương pháp siêu âm ổ bụng, để hiểu rõ hơn về kỹ thuật này, hãy cùng các chuyên gia của chúng tôi giải đáp một số câu hỏi phổ biến sau đây:

Siêu âm ổ bụng hết bao nhiêu tiền?

Siêu âm ổ bụng hết bao nhiêu tiền là câu hỏi mà rất nhiều bệnh nhân quan tâm, theo thống kê chung, mức chi phí cho kỹ thuật này tương đối rẻ và mọi bệnh nhân đều có thể dễ dàng chi trả khi có chỉ định từ bác sĩ. Mức phí dao động từ vài trăm nghìn tùy thuộc vào kỹ thuật siêu âm, thiết bị thực hiện cũng như gói dịch vụ và đơn vị y tế mà bệnh nhân lựa chọn.
Các thiết bị siêu âm 2D 3D 4D hay 5D sẽ có mức phí khác nhau do kỹ thuật thực hiện cũng như công nghệ tiên tiến và chất lượng hình ảnh mà nó cung cấp, mỗi bệnh nhân sau khi thăm khám sẽ được bác sĩ tư vấn và hỗ trợ chọn lựa phương pháp siêu âm phù hợp nhất, do đó người bệnh cứ yên tâm.

Siêu âm ổ bụng có biết có thai không?

Siêu âm ổ bụng là một trong những kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh có thể quan sát được nhiều cơ quan khác nhau, trong đó có cả hệ sinh sản ở nữ giới như tử cung, buồng trứng… Do đó khi siêu âm ổ bụng tổng quát vẫn có khả năng phát hiện việc mang thai một cách rõ nét. Tuy nhiên điều này cũng tùy thuộc vào thời điểm thăm khám, nếu khám quá sớm, khi thai chưa vào tử cung sẽ khó quan sát hơn, kết quả sẽ không chính xác.

siêu âm ổ bụng phát hiện có thai
Siêu âm ổ bụng vẫn có thể phát hiện thai kỳ

Siêu âm ổ bụng có được ăn không?

Như đã trình bày ở phần bên trên, thức ăn trong dạ dày sẽ là vật cản khiến cho việc quan sát các cơ quan khác trong cơ thể không được chính xác và rõ ràng, tốt nhất nên siêu âm vào buổi sáng lúc bụng đói sẽ cho kết quả tốt nhất. Một số trường hợp vẫn có thể ăn nhưng chú ý khối lượng thức ăn ít, nên dùng các loại thực phẩm dễ tiêu hóa. Mặc khác, đối với siêu âm túi mật cần lưu ý nhịn ăn từ 6 tiếng đồng hồ trở lên.

Siêu âm ổ bụng nhiều có hại không?

Siêu âm ổ bụng là kỹ thuật rất phổ biến dùng sóng siêu âm để ghi nhận hình ảnh các cơ quan nội tạng bên trong ổ bụng, theo nhiều nghiên cứu cho thấy, sóng siêu âm cũng như các yếu tố kèm theo không có ảnh hưởng đến sức khỏe của con người hoặc trong trường hợp phụ nữ mang thai, các sóng này cũng không đe dọa đến sự sinh trưởng và phát triển của thai. Hơn nữa, khi thực hiện siêu âm đều do các bác sĩ có chuyên môn thực hiện theo quy trình chung với chất lượng và độ an toàn của thiết bị được kiểm tra, giám sát liên tục. Do đó đây được xem là phương pháp kiểm tra an toàn, tiện lợi và nhanh chóng, hiện nay siêu âm được sử dụng khá phổ biến và chưa ghi nhận được những biến chứng nguy hiểm nào trên bệnh nhân.

siêu âm ổ bụng nhiều có hại không
Chưa có nghiên cứu nào cho thấy siêu âm ổ bụng có hại 

Vậy siêu âm ổ bụng để làm gì và hàng loạt các câu hỏi xoay quanh vấn đề này đã được trình bày qua bài viết bên trên. Với sự phát triển của công nghệ, kỹ thuật siêu âm là một trong những phương pháp hỗ trợ đắc lực cho bác sĩ trong việc thăm khám và chẩn đoán bệnh. Ngoài ra các thao tác thực hiện lại đơn giản, nhanh chóng, chi phí hợp lý rất thích hợp đối với nhiều trường hợp người bệnh, do đó các bệnh nhân cứ yên tâm và phối hợp với bác sĩ khi có chỉ định thực hiện bước chẩn đoán cận lâm sàng này, từ đó hỗ trợ kiểm tra và theo dõi sức khỏe chặt chẽ, chính xác nhất.

Siêu âm ổ bụng để làm gì? Những thông tin quan trọng mà bạn nên biếtTham khảo thêm: Siêu âm thai nhiều lần có tốt không? Các mốc siêu âm cần thiết
Thiết kế và phát triển website bởi Kenhdichvu.vn