Tin tức - Sự kiện

Viêm họng mãn tính có lây không? - Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa

Cứ mỗi mùa đông đến, số người bị viêm họng cũng lại tăng cao. Vậy những người mắc viêm họng đó là có cùng các nguyên nhân giống nhau là do thay đổi thời tiết, hay còn là do sự lây lan của bệnh? Có không ít người đặt ra nghi vấn rằng viêm họng mãn tính có lây không? Nếu có thì đâu là con đường lây bệnh, phòng tránh ra sao? Để có câu trả lời chính xác, cùng theo dõi thông tin được tư vấn bởi các bác sĩ chuyên khoa hàng đầu ở bài viết này nhé.
MỤC LỤC BÀI VIẾT

Tìm hiểu về bệnh viêm họng mãn tính

Chúng ta khá quen thuộc với thuật ngữ viêm họng mãn tính bởi có quá nhiều bài báo, quảng cáo nhắc tới trong cuộc sống hàng ngày. Vậy định nghĩa cụ thể căn bệnh này là như thế nào? Viêm họng mãn tính là bệnh lý ở vùng cổ họng bị viêm, sưng tấy và đỏ rát trong thời gian dài. Bệnh bùng phát khi người bệnh mắc viêm họng cấp tính trong thời gian dài, không điều trị kịp thời dẫn tới người bệnh không phản ứng lại với các tác động của thuốc, dân gian thường gọi là nhờn thuốc điều trị. Mặc dù ở giai đoạn mãn tính là cấp độ nhẹ hơn so với cấp tính nhưng nếu chủ quan, để tình trạng bệnh kéo dài dễ dẫn tới tái phát và khó điều trị. Dựa vào các bước khám lâm sàng, trực tiếp thấy những tổn thương ở vùng cổ họng, đánh giá dựa vào độ sưng, viêm mà viêm họng mãn tính được chia thành 4 thể bệnh.
 
Dấu hiệu viêm họng mãn tính
Dấu hiệu cho thấy bạn đã bị viêm họng mãn tính

Viêm họng mãn tính xung huyết thường: Bệnh này biểu hiện ở triệu chứng niêm mạc đỏ, họng bị đau rát, các mạch máu nổi rõ, dễ dàng nhìn thấy. Đây là giai đoạn khởi phát bệnh.
Thể viêm họng mãn tính xuất huyết: Giai đoạn này tình trạng bệnh đã nặng hơn khi dịch nhầy xuất hiện nhiều, bám chặt vào cổ họng và bắt đầu xuất hiện niêm mạc họng đỏ.
Viêm họng mãn tính quá phát: Thường bệnh nhân sẽ được nghe bác sĩ chẩn đoán là viêm họng hạt. Tình trạng bệnh lúc này đã khá nặng khi bạch huyết ở thành họng phát triển thành những đám to nhỏ rải rác tạo thành một đường dọc phía sau.
Viêm họng mãn tính teo: Thể này thường gặp nhiều hơn ở người già và những người bị trĩ mũi. Bệnh nhân gặp phải tình trạng này khi bệnh quá phát lâu ngày dần chuyển sang teo. Niêm mạc họng teo dần, tuyến nhầy dưới niêm mạc cũng teo đi làm cho niêm mạc họng từ đỏ thẫm sang hồng rồi nhợt nhạt dần. Tiết nhầy khô biến thành vảy dính vào niêm mạc, khiến bệnh nhân vô cùng khó chịu.

Triệu chứng viêm họng mãn tính

Để nhận biết mình bị viêm họng mãn tính hay không chúng ta có thể dựa vào các triệu chứng khi phát bệnh. Về cơ bản chúng khá giống với biểu hiện của viêm họng cấp. Điểm khác biệt dễ dàng so sánh chính là thời gian kéo dài bệnh. Cụ thể triệu chứng của viêm họng mãn tính gồm:
  • Họng, cổ họng đau rát, sưng tấy, nóng rát ở bên trong cổ trong thời gian dài khiến người bệnh luôn cảm thấy bứt rứt, khó chịu.
  • Người bệnh luôn cảm thấy có vật cản ở bên trong cổ họng, đặc biệt mỗi khi ăn hoặc uống hay nói chuyện thường rất khó chịu. Mỗi khi miệng hoạt động nhai, nuốt đều rất khó, có hiện tượng đau rát.
  • Ngứa râm ran trong họng, luôn muốn ho và ho liên tục, đờm xuất hiện dày đặc và dai dẳng trong khoang họng
  • Giọng nói trở nên khàn đặc, khó phát âm. Biểu hiện này thấy rõ nhất ở những người có tính chất công việc thường xuyên phải giao tiếp như giáo viên, ca sỹ, MC. Bệnh có thể chuyển biến nặng hơn khi phải giao tiếp nhiều và dẫn tới mất tiếng trong một khoảng thời gian.
  • Đối với những người mắc bệnh viêm họng do trào ngược dạ dày thường sẽ thấy thực quản phía sau xương ức nóng và liên tục ợ chua
  • Cơ thể người bệnh sẽ mệt mỏi, uể oải kèm theo sốt về chiều tối
  • Miệng đắng, hôi, tai ù do phản ứng của cơ thể khi bị viêm họng.
Viêm họng mãn tính gây nóng rát vùng cổ
Người bị viêm họng luôn cảm thấy sẽ róng, rát vùng trong cổ

Nguyên nhân gây bệnh viêm họng mãn tính

Cách tốt nhất để điều trị bệnh viêm họng mãn tính là hiểu rõ nguyên nhân, nguồn gốc bệnh. Từ đó có biện pháp phòng ngừa tốt nhất. Ngày càng nhiều người mắc viêm họng mãn tính bởi có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới căn bệnh này, cụ thể bao gồm:

Do viêm họng cấp tính không được điều trị dứt điểm

Những ai bị viêm họng cấp tính do virus hay vi khuẩn xâm nhập nếu không được chữa trị kịp thời thì khoảng sau 10 ngày bệnh sẽ biến chứng thành viêm họng mãn tính. Khi đó những biểu hiện như đau rát, ngứa họng, ho khan, ho có đờm sẽ ngày một nặng và kéo dài dai dẳng. Điều đó ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe cũng như cuộc sống của người nhiễm bệnh.

Bắt nguồn từ dị ứng mãn tính

Đối với những người bị dị ứng mãn tính với phấn hoa, lông thú hay các thực phẩm sẽ rất dễ bị mắc chứng viêm họng mãn tính. Đặc biệt khi hít phải những dị nguyên đó chắc chắn bệnh sẽ tái phát nhanh chóng. Người bệnh sẽ có biểu hiện như hắt hơi, sổ mũi, ngứa mắt hay chảy nước mắt.

Do hút thuốc hoặc hít phải khói thuốc

Ai trong chúng ta cũng biết đến mối nguy hại mà những điếu thuốc lá mang lại. Trong khói thuốc có rất nhiều chất gây ra những ảnh hưởng tiêu cực tới niêm mạc mũi, phế nang, phổi và cổ họng. Đối với những người nghiện thuốc, hút thuốc lâu năm dễ dẫn tới mắc các chứng bệnh về hô hấp, trong đó dễ mắc nhất phải kể đến viêm họng mãn tính.
 
Thuốc lá gây viêm họng mãn tính
Khói thuốc lá là một trong những tác nhân lớn gây nên tình trạng viêm họng mãn tính
 

Do sống và sinh hoạt trong môi trường ô nhiễm

Với khảo sát mới nhất của Bộ Y tế thì có tới 55% số ca nhiễm viêm họng mãn tính là do tác động từ môi trường xung quanh. Bụi bẩn và các chất độc hại xâm nhập vào niêm mạc hô hấp sẽ gây tổn thương vùng cổ họng dẫn tới người bệnh bị khó thở, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động của phổi. Chính vì thế mà tỉ lệ mắc ở các nghề như giáo viên, điều chế hóa chất, xe ôm cao hơn những người làm trong môi trường sạch, đảm bảo an toán.

Hệ lụy từ một số bệnh lý khác

Có một số bệnh lý dẫn tới người bệnh bị chuyển tới giai đoạn viêm họng mãn tính, cụ thể như viêm amidan, trào ngược dạ dày thực quản, áp xe quanh amidan,… Ngoài ra, ở những người có hệ miễn dịch kém như người già, trẻ nhỏ hay người bị tiểu đường, nhiễm HIV thì nguy cơ mắc bệnh là rất cao. Khả năng chống lại vi khuẩn của hệ miễn dịch ở những đối tượng này đã bị suy yếu, không đủ để chống lại sự thâm nhập của các vi khuẩn qua đường miệng.

Viêm họng mãn tính có lây không?

Nhiều người mắc viêm họng mãn tính đã đặt ra câu hỏi là họ có cùng nguyên nhân, thời tiết thay đổi làm ảnh hưởng hay do lây chéo. Vậy viêm họng mãn tính có lây không? Với ý kiến được đưa ra từ các chuyên gia thì căn bệnh viêm họng mãn tính về bản chất không phải bệnh truyền nhiễm bởi nguyên nhân dẫn tới bệnh thường là cảm lạnh, cảm cúm hay do môi trường tạo nên. Một số trường hợp là do dị ứng với thời tiết hoặc bị nhiễm bệnh bởi thói quen sinh hoạt hàng ngày không lành mạnh. Vì vậy, với môi trường sống bình thường thì không có con đường nào có khả năng lây nhiễm viêm họng mãn tính giữa người và người.
Nhưng trong một số trường hợp đặc biệt như viêm họng do nhiễm khuẩn hoặc bị virus xâm nhập gây ho, sổ mũi, có đờm thì bệnh hoàn toàn có thể phát tán virus ra môi trường xung quanh. Từ đó có thể tiếp xúc với người khác qua đường nước bọt, tiếp xúc và khiến người tiếp xúc bị viêm họng theo nếu như đề kháng của người đó ở mức thấp. Vì thế cần hết sức chú ý trong việc phòng ngừa lây lan bệnh. Mặc dù bệnh rất khó lây nhưng nếu trong môi trường sống hàng ngày như gia đình, nơi làm việc có người viêm họng mãn tính do virus thì bạn cũng nên đeo khẩu trang, tăng cường đề kháng và tránh tiếp xúc gần với người bị bệnh. Chỉ như vậy bạn mới có thể an toàn, giảm nguy cơ lây nhiễm.

Tiến triển và những biến chứng của viêm họng mãn tính

Viêm họng mãn tính thường tiến triển theo 4 giai đoạn, nếu cảm thấy họng khó chịu, bạn cần kiểm tra xem cơ thể đang ở giai đoạn nào. Đối với mỗi giai đoạn sẽ có phương pháp, liệu trình điều trị riêng. Cụ thể các giai đoạn gồm có:
Giai đoạn xung huyết đơn thuần: Thường gặp ở thời kỳ đầu khi niêm mạc họng đỏ, nổi nhiều tia mao mạch máu.
Giai đoạn xuất tiết: Ở giai đoạn này bệnh đã nặng dần khi thành sau họng có tăng xuất tiết nhầy trong, hơi dính vào niêm mạc. Dịch chảy từ vòm xuống hạ họng và sẽ tạm thời mất đi khi bệnh nhân nuốt. Lúc này bệnh nhân sẽ thấy rất khó chịu, ngứa họng bởi họng đã đỏ và nổi nhiều tia mao mạch máu.
Giai đoạn quá phát: Nếu có dấu hiệu nóng rát ở họng mà không có biện pháp điều trị thì bệnh sẽ tiến triển tới giai đoạn này. Niêm mạc họng đỏ và dày lên. Tổ chức bạch huyết ở thành sau họng cũng phát triển mạnh và dày lên. Các dấu hiệu đó cho thấy bệnh nhân đã bị viêm họng hạt.
Giai đoạn sau: Đây là khi bệnh nhân đã bị nhiễm quá nặng khiến các niêm mạc họng teo dần, chuyển từ màu đỏ thẫm sang hồng rồi nhợt nhạt. Họng khô và đọng lại những vảy mỏng màu vàng, khô bám khắp họng. Chính vì thế người bệnh cảm thấy háo nước, rát họng nghiêm trọng.
 
Giai đoạn nặng nhất có vảy ở họng
Giai đoạn nặng nhất của viêm họng mãn tính là có vảy đóng ở vùng họng

Không dừng lại ở đó, nếu không chữa trị kịp thời thì bệnh có thể phát triển tới giai đoạn nguy hiểm hơn đó là viêm thanh quản mạn tính, viêm thanh - khí phế quản mãn tính. Hay nguy hiểm hơn nữa là bệnh nhân liên tục biến chuyển xấu khiến viêm amidan cấp tính, áp xe amidan gây nên suy nhược cho cơ thể. Bệnh nhân bị bệnh khá nặng sẽ bị tổn thương về tinh thần bởi mất ngủ vì ho, khạc nhổ liên tục.
Biến chứng thường thấy ở người bệnh mắc viêm họng mãn tính kéo dài, không chữa trị kịp thời có thể dẫn tới:
Gây áp- xe hoặc viêm tấy quanh họng: người bệnh sẽ cảm thấy mệt mỏi, sốt cao, mất nước, đi tiểu ít. Đồng thời toàn thân đau nhức khó chịu, đau họng dữ dội, đau nhức lên cả khu vực tai. Có nhiều người không dám nuốt bởi mỗi khi nuốt sẽ rất đau, mặc dù đôi khi chỉ là nuốt nước bọt. Việc ăn uống, giao tiếp sẽ vô cùng khó khăn, hơi thở bị hôi do tác động của những mảng viêm. Áp xe nếu không được xử lý ngay cũng sẽ lan xuống và gây hiện tượng khít hàm. Điều đó dẫn tới người bệnh cảm thấy khó thở
Gây viêm tấy xung quanh amidan: biến chứng này cũng có biểu hiện giống với áp xe, cũng xuất hiện những biến chứng gây đau và khó chịu vùng cổ. Đặc biệt người bệnh sẽ thấy đau khi há miệng, âm thanh giọng nói sẽ bị lệch lạc hơn, hơi thở hôi hơn bình thường.
Bệnh có thể dẫn tới viêm xoang, viêm mũi, viêm tai giữa, viêm phổi và nghiêm trọng hơn có thể dẫn tới viêm màng tim, viêm khớp.

Viêm họng mãn tính có lây không? - Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừaXem thêm: Bị viêm xoang cấp phải làm sao? Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị

Cách chữa trị viêm họng mãn tính - Viêm họng mãn tính nên ăn gì?

Viêm họng mãn tính có lây không? - Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa Có thể bạn quan tâm: Cách chữa đau họng cho trẻ em - Cha mẹ nào cũng nên biết

Mặc dù đây không được xét vào các bệnh nguy hiểm nhưng chúng ảnh hưởng rất nhiều tới cuộc sống sinh hoạt của người nhiễm bệnh. Vì vậy, chúng ta cần có phương pháp chữa trị càng sớm càng tốt, tránh để dẫn tới các biến chứng không mong muốn. Để chữa viêm họng mãn tính chúng ta nên áp dụng các phương pháp dân gian trước khi tìm tới thuốc tây. Cụ thể các phương pháp được áp dụng và mang lại kết quả gồm:

Chữa viêm họng mãn tính bằng mật ong

Mật ong là một bài thuốc quý, chữa được khá nhiều bệnh và có tác dụng rất tốt đối với người bị viêm họng. Nếu có mật ong trong tủ bếp bạn có thể thử 2 cách sau:
Sử dụng mật ong nguyên chất: Hòa 1 thìa mật ong vào khoảng 300ml nước ấm. Khi uống ngậm khoảng 1 phút rồi nuốt. Bạn nên thực hiện đều đặn, liên tục 1 ngày 3 lần. Mặc dù phản ứng chậm nhưng an toàn và hiệu quả, triệu chứng ho khan, rát họng sẽ giảm dần.
Kết hợp mật ong với gừng tươi: Gừng cạo vỏ, rửa sạch rồi giã nát, lấy nước cốt và hòa đều với 1 thìa mật ong. Bạn sử dụng mỗi ngày 3 lần, chắc chắn sẽ làm giảm đau rát cổ họng một cách nhanh chóng.
Kết hợp với tỏi: Tỏi bóc vỏ, thái lát mỏng. Ngâm thêm 1 thìa mật ong khoảng 5 phút. Ngậm lát tỏi đó cho tới khi hết hơi hăng của tỏi thì dừng lại.

Trị viêm họng mãn tính tại nhà với tỏi

Tỏi không chỉ là bài chữa cảm cúm hiệu quả, mà trong dân gian còn lưu truyền bài thuốc chữa viêm họng mãn tính bằng tỏi mang lại hiệu quả rất cao và khá dễ thực hiện. Bạn có thể làm theo các cách sau:
Kết hợp tỏi với sữa: Giã nát khoảng 3~4 nhánh tỏi tươi, hòa vào cốc sữa nóng để tinh dầu tỏi hòa đều với sữa. Mỗi ngày uống từ 2~3 cốc để giảm đau rát vùng cổ họng.
Kết hợp tỏi với rượu: Chuẩn bị khoảng 40g tỏi khô bóc vỏ ngâm cùng với 100ml rượu trắng khoảng 10 ngày. Khi dung dịch đó chuyển sang màu vàng, người bệnh uống khoảng 40 giọt~ 80 giọt một ngày để giảm lượng đờm trong cổ.

Sử dụng lá tía tô

Tính cay của lá tía tô có thể giúp làm ấm cơ thể và tăng khả năng kháng khuẩn cho vùng cổ họng. Đồng thời những ngày thay đổi thời tiết bạn cũng có thể sử dụng loại lá này để tăng đề kháng cho cơ thể. Bạn thực hiện theo cách đơn giản sau:
Rửa sạch và băm nhỏ lá tía tô, chuẩn bị thêm 3 củ hành đỏ bóc vỏ và 1 nắm gạo vo sạch.
Cho 3 thứ đó vào đèn nhỏ, thêm chút đường phèn và hấp cách thủy khoảng 15~20 phút. Sau đó chắt lấy nước uống trong ngày.

Điều trị viêm họng mãn tính với gừng

Gừng có vị cay ấm, loại củ gia vị này là vị thuốc nam được sử dụng nhiều để kháng viêm, diệt khuẩn, bổ phế rất hiệu quả. Tuy nhiên, loại dược liệu này cũng mang lại tác dụng phụ nên bạn cần chú ý chỉ sử dụng cho bệnh nhân trên 13 tuổi. Với phương thuốc này bạn có thể áp dụng 2 cách sau:
Uống trà gừng: Dùng gừng tươi, rửa sạch, thái lát mỏng hoặc đập nát. Sau đó cho gừng vào cốc nước nóng và đợi khoảng 10 phút cho tinh dầu từ gừng tan đều trong nước. Cho thêm chanh tươi, đường phèn vào chung rồi khuấy đều. Mỗi ngày nên dùng từ 2 tới 3 lần.
Sử dụng gừng kết hợp với hành: Dùng khoảng 50g hành thái nhỏ, 10g gừng đập dập rồi thêm nước sôi. Khuấy đều để sử dụng xông mũi, họng, miệng. Việc làm đó khiến khoang miệng sạch và tăng đề kháng. Thực hiện việc đó 1~ 2 lần trên ngày và thực hiện liên tục tới khi nào khỏi hẳn.
 
Gừng là bài thuốc chữa viêm họng mãn tính hiệu quả
Gừng là bài thuốc chữa viêm họng mãn tính hiệu quả

Đơn thuốc trị viêm họng mãn tính

Đối với một vài trường hợp, tình trạng viêm họng mãn tính đã phát triển quá nghiêm trọng hoặc để quá lâu ngày dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm. Trong khi đó việc sử dụng các cách dân gian cần kiên trì với thời gian dài, vì thế nên cần có sự can thiệp của thuốc tây trong những trường hợp này. Tùy theo tình trạng của mỗi bệnh nhân sau khi được khám xét, bác sĩ sẽ đưa ra các chỉ định hợp lý. Với bệnh viêm họng mãn tính, bác sĩ thường chỉ định một số loại thuốc sau:
Thuốc trị ho: Người bệnh thường bị làm phiền bởi các cơn ho kéo dài dẫn tới mệt mỏi, khó chịu. Trong trường hợp đó bác sĩ thường chỉ định bổ phế, siro trị ho.
Thuốc tiêu đờm: Đối với những bệnh nhân đã chuyển sang thời kì mãn tính của bệnh thì trong cổ họng thường bị lớp đờm dày làm khó chịu, ngứa cổ. Vì thế bác sĩ sẽ kê đơn thuốc giúp giảm hoặc long đờm như Acetylcystein, Mucosolvan, Bromhexin,…
Thuốc ổn định độ pH: Viêm họng mãn tính khiến hơi thở không được bình thường, có mùi hôi nên cần có thuốc điều chỉnh độ pH cho khoang miệng. Thường bác sĩ sẽ kê các đơn như rhinathiol haylysopain, Locabiotal,…
Thuốc kháng sinh: Đối với những người bệnh đã quá nặng thì phải sử dụng thêm thuốc kháng sinh để chống lại vi khuẩn. Cephalexin, erythromycin, Amoxicillin là một trong số những đơn thuốc thường được bác sĩ khuyên dùng.
Ngoài ra để điều trị bệnh dứt điểm, chúng ta cần kết hợp với việc làm sạch khoang miệng, mũi bằng cách sử dụng các dung dịch xịt mũi, thuốc chống dị ứng hay nhiều người phải áp dụng phương pháp cắt amidan. Đối với những người mắc bệnh do chứng trào ngược dạ dày thì cần thiết lập chế độ ăn uống khoa học để có thể ngăn chặn những nguyên nhân gây bệnh.
 
Chữa viêm họng mãn tính bằng thuốc tây
Chữa viêm họng bằng thuốc tây cần tuyệt đối tuân thủ chỉ định của bác sĩ

Lưu ý: Đối với phương pháp điều trị viêm họng mãn tính bằng thuốc tây, chúng ta cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ. Dù có hiểu biết hay đã được gợi ý bạn cũng chỉ nên dùng thuốc sau khi đã được thăm khám và kê đơn. Mỗi người có tình trạng bệnh lý khác nhau và có những phản ứng với thuốc khác nhau. Bạn nên chú ý điều này.

Cách chăm sóc người bị viêm họng mãn tính

Bên cạnh các phương pháp điều trị can thiệp bởi thuốc tây, để phát huy tác dụng cũng như tránh các biểu hiện của bệnh xấu đi, trong quá trình điều trị chúng ta cần có các biện pháp chăm sóc đặc biệt đối với người nhiễm bệnh. Cụ thể như:
  • Uống nước ấm để bổ sung chất lỏng cho cơ thể, cân bằng độ điện giải và làm dịu đi những cơn đau, rát ở cổ họng.
  • Cai thuốc lá, hạn chế sử dụng thuốc lá hay các đồ uống, thực phẩm gây kích thích cổ họng như rượu, bia, gia vị cay nóng, dầu, mỡ.
  • Bổ sung một số loại gia vị tự nhiên có tính kháng sinh như gừng, nghệ, thì là, tỏi,… vào chế độ ăn.
  • Điều chỉnh chế độ ăn uống và sinh hoạt nhằm kiểm soát và giảm thiểu các triệu chứng ợ hơi ở cổ họng.
  • Sử dụng các thiết bị lọc không khí và thường xuyên vệ sinh không gian sống để giảm nguy cơ viêm họng.
  • Cần có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, luôn giữ ấm cơ thể để giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh.

Cách phòng ngừa tái phát viêm họng mãn tính                                   

Bệnh viêm họng mãn tính có thể bị tái phát khi thời tiết thay đổi đột ngột hoặc khi cơ thể mệt mỏi, không đủ đề kháng để chống lại các tác nhân gây bệnh. Vì thế để phòng ngừa sự tái phát của bệnh chúng ta cần áp dụng một số biện pháp phòng ngừa sau:
  • Đánh răng và súc miệng với nước muối sinh lý thường xuyên. Hành động này không chỉ đảm bảo sức khỏe răng miệng mà còn giúp loại bỏ và ngăn ngừa các bệnh lý về đường hô hấp trên.
  • Có kế hoạch kiểm soát và tích cực điều trị các nguyên nhân gây ra bệnh viêm họng như trào ngược dạ dày, viêm thanh quản,..
  • Xây dựng lối sống lành mạnh, tạo môi trường sạch sẽ, nhiều cây xanh, có thể dùng máy lọc không khí để tăng sức đề kháng cho cơ thể.
  • Giữ ấm và hạn chế di chuyển ngoài trời khi thời tiết thay đổi hoặc có gió lạnh.
  • Hạn chế la hét, hút thuốc hay sử dụng các chất kích thích. Việc làm này gây nên sự kích thích tại niêm mạc cổ họng, ảnh hưởng xấu tới vùng vòm họng.
  • Bệnh nhân cũng cần ăn những loại thức ăn mềm, nhuyễn, dễ nuốt và không cay, nóng.
  • Đeo khẩu trang bảo hộ khi tiếp xúc với khói bụi, hóa chất, khi di chuyển ngoài trời. Hạn chế và tránh tiếp xúc với những dị nguyên có thẻ gây hắt hơi, sổ mũi, viêm họng.
  • Bổ sung các chất dinh dưỡng như vitamin C, A, D, và tránh những món ăn gây ngứa cổ họng như hải sản, đồ tanh lạnh,…
Luôn giữ môi trường sống sạch sẽ
Giữ môi trường sống sạch sẽ, không khói bụi sẽ giúp giảm nguy cơ mắc viêm họng mãn tính

Trên đây là những thông tin cơ bản về bệnh viêm họng mãn tính. Theo như thông tin đã cung cấp, chắc hẳn bạn đã biết được câu trả lời cho câu hỏi:” Viêm họng mãn tính có lây không”. Mặc dù không dễ lây lan và không quá nguy hiểm nhưng chúng có thể gây ra các biến chứng phức tạp. Hơn nữa bệnh viêm họng mãn tính khiến cơ thể khó chịu, ảnh hưởng tới công việc và đời sống sinh hoạt của người bệnh. Vì vậy, hãy chú ý bảo vệ bản thân, và đi khám ngay khi thấy những dấu hiệu bất thường. Ngoài ra, website của Việt Nhật tại địa chỉ https://tapdoanytevietnhat.com/ cũng thường xuyên cập nhật các tin bài về sức khỏe. Hãy thường xuyên theo dõi để có thể sớm nhận biết tình trạng sức khỏe của mình, và có được cách giữ cho bản thân có một sức khỏe tốt bạn nhé.
 
Thiết kế và phát triển website bởi Kenhdichvu.vn