Tin tức - Sự kiện

Bật mí kinh nghiệm chuẩn bị đồ đi sinh đầy đủ nhất

Dù là sinh con lần đầu hay các lần tiếp theo thì việc chuẩn bị đồ đi sinh vẫn luôn khiến các mẹ háo hức nhưng vẫn có đôi chút xen lẫn sự lúng túng, lo âu. Nhiều mẹ thắc mắc chuẩn bị đồ đi sinh gồm những gì? Khi nào thì nên bắt đầu chuẩn bị những thứ nhỏ xinh cho thiên thần của mình? Các mẹ bầu hãy an tâm, bài viết dưới đây, tập đoàn y tế Việt Nhật sẽ giúp bạn có bước chuẩn bị đồ đi sinh một cách đầy đủ, nhanh chóng bởi kinh nghiệm của những bà mẹ đi trước và nhân viên y tế tại các bệnh viện sản nhi tuyến đầu.
MỤC LỤC BÀI VIẾT

Nên chuẩn bị đồ đi sinh từ tháng mấy?

Chắc hẳn rất nhiều mẹ háo hức với việc chọn đồ cho con, tỉ mỉ lựa chọn từng đôi tất, chiếc khăn sữa cho bé yêu. Ngoài ra, trước khi lâm bồn sinh nở, người mẹ có rất nhiều việc cần chuẩn bị, từ sắm đồ cho bé cho tới chuẩn bị kiến thức chăm con,.. Chính vì thế, các mẹ nên chuẩn bị đồ cho con từ sớm để có đầy đủ đồ nhất khi vượt cạn và không bị lãng phí quá nhiều. Chính vì lý do này, mẹ cần lên danh sách xem chuẩn bị đồ đi sinh gồm những gì và tiến hành sắm sửa, muộn nhất là từ khoảng tuần 34 bời thời gian này em bé có thể ra đời trước dự kiến.
Với kinh nghiệm của các phụ nữ đã sinh chia sẻ, họ thường mua đồ dần ở tháng thứ 7 và dành nhiều thời gian để sắp xếp đồ cho bé. Thời gian này là hợp lý nhất bởi thời điểm này về cơ bàn là thời kì phát triển an toàn của bé, đồng thời ba mẹ cũng đã xác định được giới tính của bé, từ đó dễ dàng lựa chọn màu sắc, họa tiết cho đồ của bé. Ngoài ra bạn không nên đi mua sắm, chuẩn bị đồ sinh quá muộn bởi thời điểm đó bụng mẹ đã rất to, đi lại không thuận tiện và nếu quá sát ngày sự sinh sẽ khiến mẹ vội vàng, lúng túng và đôi khi sẽ bỏ lỡ những vật dụng cần thiết. Thời điểm từ tuần 35, 36 chỉ thích hợp với việc ngồi tỉ mẩn xếp đồ, chuẩn bị thế giới nhỏ cho bé khi chào đời là hợp lý nhất.

sắm đồ cho bé trước khi sinh
Hãy lên kế hoạch và mua sắm đồ cho bé yêu muộn nhất vào tuần thứ 34

Chuẩn bị đồ đồ đi sinh gồm những gì?

Khác với trước đây, khi đi sinh mẹ phải mang rất nhiều thứ, tuy nhiên, với những dịch vụ hiện đại ngày nay thì số lượng đồ cần mang khi đi sinh đã có nhiều sự lược bớt. Tuy nhiên cũng rất nhiều thứ nhỏ nhỏ, nếu không để ý bạn có thể sẽ bị quên. Cụ thể, một số đồ cần mang theo khi có dấu hiệu sinh nở bao gồm:

Những giấy tờ cần thiết

Khi bước sang tháng thứ 9 của thai kỳ, mẹ bầu cần chuẩn bị đầy đủ một số giấy tờ và để sẵn trong giỏ đồ mang đi bởi thời điểm này, bạn có thể chuyển dạ bất cứ lúc nào. Việc chuẩn bị đầy đủ giấy tờ, sắp xếp ngăn nắp sẽ giúp mẹ hoàn thành thủ tục nhập viện một cách nhanh chóng và thuận lợi, đặc biệt đối với những mẹ được hưởng chế độ thai sản của bảo hiểm y tế.
Trong tập hồ sơ thủ tục sinh, mẹ bầu nên nhớ mang theo các giấy tờ sau:
  • Chứng minh thư nhân dân/ căn cước công dân
  • Bản sao sổ hộ khẩu
  • Thẻ bảo hiểm y tế
Lưu ý: Bạn nên photo sẵn các giấy tờ trên thành nhiều bản để thuận tiện khi làm thủ tục nhập viện hay làm giấy chứng sinh cho bé.
Ngoài ra, tùy từng cơ sở y tế, mẹ bầu nên chuẩn bị thêm một số giấy tờ có thông tin sức khỏe thai kỳ của mẹ như giấy xét nghiệm/ siêu âm gần nhất. Đặc biệt các mẹ bầu có gặp những vấn đề trong quá trình mang thai như: rau tiền đạo, tiền sản giật,.. nên thêm những giấy tờ khám bệnh hay các chẩn đoán trước đó vào hồ sơ đi sinh. Việc này vô cùng quan trọng, giúp bác sĩ nắm rõ được tình trạng sức khỏe thai kỳ của mẹ và thai nhi. Từ đó, cùng với kiến thức chuyên gia, bác sĩ sẽ đưa ra những phương án thích hợp nhất để quá trình sinh nở diễn ra một cách thuận lợi. Bạn cũng nên mang theo bút và sổ ghi chú vì đôi khi bạn sẽ cần dùng tới.

 Thẻ bảo hiểm y tế là một trong những giấy tờ không thể thiếu trong hồ sơ đi sinh của mẹ
Thẻ bảo hiểm y tế là một trong những giấy tờ không thể thiếu trong hồ sơ đi sinh của mẹ

Chuẩn bị đồ đi sinh cho mẹ bầu

Bạn hãy chuẩn bị sẵn một giỏ đồ đầy đủ, sắp xếp gọn gàng, dễ lấy đồ giúp bạn tiết kiệm rất nhiều thời gian để có thể chăm sóc con một cách tốt nhất. Vậy chuẩn bị đồ đi sinh cần những gì? Dưới đây là danh sách trang phục mẹ bầu phải có sẵn trong giỏ trước khi đi sinh:
  • Trang phục
Trang phục cho mẹ bầu đi sinh nên gọn gàng, dễ thay đổi giúp mẹ tiết kiệm được thời gian để có thể chăm sóc bé và việc sinh nở được diễn ra thuận tiện. Mẹ cần nhớ những món đồ sau, không thể quên trước khi đi đến bệnh viện nhé:
  • Quần áo mặc ở viện
Ở hầu hết các bệnh viện đều có quần áo cho các mẹ lúc sinh và sau sinh tuy nhiên mẹ vẫn nên mang theo 2 bộ để có thể thay đổi nếu như bị bẩn mà chưa tới giờ cấp quần áo. Lưu ý là bạn nên mang theo những chiếc áo có nút ngực hoặc dáng rộng để thuận tiện cho bé ty. Quần áo mặc ở viện cũng nên là quần áo dài tay, có chất liệu thấm hút mồ hôi, co giãn tốt để bạn đảm bảo được sức khỏe sau sinh.
  • Quần áo mặc khi ra viện
5~6 chiếc áo lót( loại dành riêng cho phụ nữ cho con bú) Bạn có thể chuẩn bị ít hơn nếu nhà ở gần viện và chồng bạn có thể mang vào cho bạn thay hàng ngày.
4~5 đôi tất chân vì bạn có thể cảm thấy lạnh chân khi chuyển dạ, sau khi sinh bạn cũng nên giữ ấm đôi bàn chân.
3~4 bịch quần lót loại dùng 1 lần. Bạn cần thay thường xuyên bởi vì có thể bị bẩn do sản dịch bị tràn ra. Bạn cũng nên mua loại dùng 1 lần để dễ dàng bỏ đi mà không cần giặt lại.
Nhìn chung, trang phục mang đi viện lúc sinh cần đạt được tiêu chí thoải mái, chất liệu tốt, dễ dàng cho các hoạt động y tế như vén tay áo đo huyết áp hoặc tiêm.


Dấu hiệu chuyển dạ sắp sinh bà bầu cần đặc biệt ghi nhớ
  • Vật dụng vệ sinh
Vệ sinh sạch sẽ cơ thể trước và sau khi chuyển dạ sẽ giúp bạn cảm thấy thoải mái, đồng thờ ngăn ngừa tình trạng viêm nhiễm sau sinh. Vì vậy bạn cần mang theo những vật dụng sau:
3 bịch bỉm người lớn. Loại này bạn sẽ dùng trong trường hợp vỡ ối và ngày đầu tiên sau sinh, khi sản dịch ra nhiều.
3 bịch băng vệ sinh loại dành cho mẹ bầu: Loại này thường to hơn các dòng băng vệ sinh hàng ngày, mẹ bầu sẽ dùng cho tới khi hết sản dịch.
2~3 chiếc khăn tắm
Sữa tắm, sữa rửa mặt, dầu gội đầu
Dung dịch vệ sinh phụ nữ
Lược chải tóc, kẹp/ chun buộc tóc, bấm móng tay.
Bàn chải đánh răng, kem đánh răng và nước súc miệng
Lưu ý: Nhiều bà mẹ vẫn có suy nghĩ sau sinh không tắm gội nhưng đó là một sai lầm. Chúng ta cần vệ sinh sạch sẽ trước và sau sinh để đảm bảo không mắc các bệnh ngoài da và không làm ảnh hưởng tới bé. Chúng ta chỉ hạn chế sử dụng nước lạnh, hãy vệ sinh bằng nước ấm, thực hiện nhanh ở nơi kín gió.
  • Những vật dụng mẹ bầu yêu thích
Bạn nên nhớ rằng, việc sinh con không chỉ là những cơn gò tử cung, đau chuyển dạ. Đây là thời gian mẹ bầu dễ có những cảm xúc khác thường và cũng chính là khoảnh khắc quan trọng và vô cùng ý nghĩa đối với bạn và gia đình. Vì thế, bạn nên xem đây là thời điểm thiêng liêng, trải nghiệm mới, vui vẻ giúp bạn quên đi những cơn đau được ví như “xé da xé thịt”. Vậy nên bạn mang theo một số vật dụng thường xuyên bên bạn hoặc bạn vô cùng thích như:
Một cuốn sách, truyện hay tạp chí mà bạn yêu thích
Điện thoại để liên lạc hoặc đôi khi là lưu lại những khoảnh khắc con yêu từ giây phút đầu tiên chào đời
Tinh dầu massage hoặc các dụng cụ yêu thích. Theo chia sẻ của chuyên gia thì massage giúp mẹ bầu cảm thấy dễ chịu hơn khi bị các cơn co tử cung làm phiền
Bạn cũng có thể mang theo một tí bánh kẹo, đồ ăn nhẹ, trái cây để đề phòng khi đói.

 Mẹ nên mang theo một số đồ vật yêu thích để có thể làm giảm cảm giác đau đớn khi chuyển dạ
Mẹ nên mang theo một số đồ vật yêu thích để có thể làm giảm cảm giác đau đớn khi chuyển dạ

Chuẩn bị giỏ đồ sơ sinh cho bé

Chắc chắn, từ khoảng tuần thứ 38 của thai kỳ, mẹ đã chuẩn bị khá đầy đủ đồ cho bé yêu của mình. Tuy nhiên khi sắp giỏ đi viện bạn cần có sự chọn lọc. Có những vật dụng rất cần thiết, có những vật dụng chỉ cần mang theo một số lượng ít. Dưới đây là gợi ý mang đồ đi sinh của một bệnh viện phụ sản lớn tại Hà Nội.
Quần áo cho trẻ sơ sinh khoảng 5~7 bộ. Ở một số bệnh viện họ cung cấp quần áo cho bé và mẹ chỉ cần chuẩn bị quần áo để lúc ra viện bé mặc.
  • Bịch tã giấy sơ sinh
  • 2~4 chiếc mũ, 3~4 bộ bao tay và tất chân
  • 2~3 chiếc khăn mềm khổ lớn để quán bé, giúp giữ ấm cho con
  • Khoảng 10~15 khăn xô nhỏ để lau miệng, lau mặt cho bé khi ăn sữa.
  • 1~3 khăn xô lớn để lau mình cho bé sau khi tắm
  • 1 bộ gối, chăn mềm
  • 1 hộp sữa công thức nhỏ dành cho trẻ sơ sinh, bình sữa, các dụng cụ vệ sinh bình sữa như ly nhỏ, dung dịch vệ sinh bình sữa, dung dịch rửa bình sữa. Những vật dụng này chủ yếu dùng khi sữa mẹ chưa về hoặc mẹ sinh mổ, bé chưa thể bú trực tiếp được.
  • Một vào vật dụng khác như bông gòn, bông tăm, rơ lưỡi, nước muối sinh lý, kem chống hăm mẹ cũng nên chuẩn bị đầy đủ.
Bạn nên lên danh sách đầy đủ những món đồ của bé theo số lượng trước khoảng 1 tháng để có thời gian chuẩn bị chu đáo nhất mọi việc đồng thời sẵn sàng đi sinh bởi dấu hiệu chuyển dạ sẽ đến bất cứ khi nào từ tuần 38 trở đi.

 Quần áo, dụng cụ ăn uống của bé là những thứ không thể thiếu trong giỏ đồ đi sinh
Quần áo, dụng cụ ăn uống của bé là những thứ không thể thiếu trong giỏ đồ đi sinh

Những anh chồng cần chuẩn bị đồ trước khi sinh như thế nào?

Vượt cạn không phải là chuyện của một mình người vợ, những anh chồng cũng có không ít những điều cần chuẩn bị trước khi đưa vợ đi sinh. Những món đồ chồng cần mang theo hành trang đưa vợ đi sinh cần:
  • Tiền mặt (Tùy bệnh viện mà 2 vợ chồng dự kiến sinh mà người chồng cần chuẩn bị khoản tiền cho phù hợp). Thường thì chồng nên chuẩn bị khoảng 6~8 triệu đồng tiền mặt và thẻ ATM trong ví để có thể thanh toán ngày các khoản phát sinh.
  • Chuẩn bị tiền lẻ để có thể chi trả các chi phí như gửi xe, mua nước hay các món nhỏ nhỏ khác. Việc này tưởng chừng như không quan trọng nhưng giúp tiết kiệm thời gian.
  • Điện thoại, sạc dự phòng để liên lạc với người thân.
  • Dụng cụ vệ sinh cá nhân như khăn lau, khăn tắm, bàn chải đánh răng, dao cạo râu, nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt bản thân trong những ngày chăm vợ đẻ ở viện.
  • 4~5 bộ quần áo để thay đổi, nếu thời tiết lạnh, người chồng cần mang theo đồ giữ ấm.
  • Chuẩn bị thêm một ít thuốc giảm đau, thuốc tiêu hóa có thể sẽ cần
  • Chọn một đôi dép tiện dụng hoặc giày đi êm chân, thuận tiện để đi lại trong bệnh viện
  • Mang thêm một chiếc gối riêng để chồng có thể nghỉ ngơi thoải mái hơn trong những ngày chăm vợ ở viện.

 Những ông bố cũng cần chuẩn bị không ít để bên cạnh mẹ lúc lâm bồn
Những ông bố cũng cần chuẩn bị không ít để bên cạnh mẹ lúc lâm bồn

Những kinh nghiệm nhỏ chuẩn bị đồ đi sinh mẹ bầu cần lưu ý

Bên cạnh việc lên danh sách và chuẩn bị đầy đủ đồ đi sinh, người mẹ cũng cần sắp xếp công việc và những vấn đề khác trong cuộc sống hàng ngày và tìm hiểu thêm kiến sức sinh sản để có thể vượt cạn thuận lợi và an toàn.
Đối với công việc
Nếu mẹ bầu đang đi làm, hãy thông báo với phòng Hành chính- Nhân sự hoặc người quản lý về ngày sự sinh và kế hoạch nghỉ trước và sau sinh của bạn. Việc này giúp họ có phương án phân công nhân viên phụ trách công việc của bạn trong thời gian bạn nghỉ sinh. Ngoài ra, họ sẽ hỗ trợ bạn làm các thủ tục liên quan đến chế độ thai sản như bảo hiểm thai sản.
Tìm kiếm hỗ trợ từ người thân
Chuyển dạ có thể diễn ra bất cứ lúc nào, vì thế, ngoài việc sắp đồ, bạn cần tìm đến sự hỗ trợ của người thân. Bạn hãy:
  • Nhờ chồng hoặc người nhà vệ sinh toàn bộ nhà cửa, giặt giũ chăn gối, rèm cửa, tạo không gian sạch, thoáng để đón em bé về.
  • Hỏi thăm kinh nghiệm sinh nở, chăm con từ bạn bè, người thân để lựa chọn nơi sinh an toàn và phù hợp nhất.
  • Xác định danh sách những người đưa bạn đi sinh, chăm sóc bạn và bé yêu trong những ngày đầu sau sinh, thường sẽ là các bà hoặc chị đã có kinh nghiệm sinh nở.
  • Tìm người hỗ trợ bạn việc nhà cũng như chăm sóc em bé tại nhà. Nếu không có người thân, bạn có thể tìm người giúp việc nhà làm theo giờ. Trong trường hợp bạn đã có bé lớn và vẫn cần chăm sóc nhiều thì bạn nên tìm tới sự hỗ trợ của người thân, họ hàng thân thiết để chăm bé trong thời gian bạn đi sinh.
  • Trao đổi cụ thể với chồng và các thành viên khác trong gia đình các công việc nhà và chăm sóc các bé. Bạn không thể tự hoàn thành mọi việc nên ai hỗ trợ được phần nào thì bạn nên nhờ để giảm bớt công việc, có thời gian nghỉ ngơi sau sinh và chăm con.
  • Lên danh sách cụ thể về các loại thực phẩm thiết yếu cho gia đình bạn trong khoảng 2 tuần để tiến hành mua hoặc chồng bạn có thể hỗ trợ mua trước ngày sinh ít nhất khoảng 1 tuần.
Tìm hiểu về kiến thức sinh nở và sẵn sàng tinh thần cho một cơn chuyển dạ
  • Bất kỳ bà mẹ nào cũng muốn mình có một quá trình sinh nở diễn ra thuận lợi và nhanh chóng. Vì vậy, bạn nên trang bị cho mình thật nhiều kiến thức về giai đoạn sinh con và cũng rất cần giữ vững tinh thần để vượt qua được cơn đau chuyển dạ. Vì vậy, ngay từ bây giờ, bạn cần:
  • Tìm hiểu về các giai đoạn chuyển dạ để hiểu thật rõ những dấu hiệu sẽ diễn ra ở cơ thể bạn để an tâm hơn và bình tĩnh khi bước vào phòng sinh.
  • Bạn cần tìm hiểu để biết kỹ thuật thở, giữ sức khi chuyển dạ, cách để kiềm chế cơn đau khi sinh. Việc thở đúng không chỉ giúp bạn giảm đau trong khi sinh mà còn giúp sự trao đổi oxy tới thai nhi được tốt hơn. Vì vậy kỹ thuật này rất quan trọng, bạn có thể luyện tập thường xuyên để cơ thể quen với nhịp thở điều tiết này.
  • Một số vấn đề khác bạn cũng nên tìm hiểu như tiểu không kiểm soát, trầm cảm sau sinh hay chuyện quan hệ vợ chồng sau sinh. Từ đó bạn sẽ có kế hoạch điều chỉnh và đối phó với những thay đổi trong cuộc sống trong cuộc sống sau khi bé yêu đến bên gia đình bạn.
  • Vào những lần khám thai ở cuối thai kỳ, khoảng tuần 37 trở đi, bạn nên trao đổi với bác sĩ và hỏi về khả năng sinh thường của mình. Mỗi phương pháp sẽ có những thứ bạn cần chuẩn bị khác nhau, vì thế nếu biết trước bạn sẽ có sự chuẩn bị tốt hơn.
  • Trước ngày dự kiến sinh, bạn nên thư giãn, tắm gội để tinh thần thoải mái, có sự chuẩn bị tinh thần trước khi sinh một cách tốt nhất.
Nhìn chung có rất nhiều thứ bạn cần chuẩn bị trước khi đi sinh, vì vậy để không bỏ sót bất cứ thứ gì bạn hãy lên danh sách theo từng mục nhất định. Bên cạnh việc chuẩn bị thì bạn cũng nên chú ý tới thời gian nghỉ ngơi và ăn uống để thai nhi phát triển tốt nhất có thể.

 Bạn hãy tham khảo thêm các kiến thức sinh nở để không bỡ ngỡ với những cơn đau gò tử cung
Bạn hãy tham khảo thêm các kiến thức sinh nở để không bỡ ngỡ với những cơn đau gò tử cung

Kinh nghiệm dành cho các bà mẹ đã sinh trước khi ra viện

Ngày xuất viện của 2 mẹ con là dấu mốc khởi đầu cho cuộc sống của 2 mẹ con khi không có sự hỗ trợ của các y bác sĩ, mẹ sẽ có khá nhiều điều cần lưu ý để có một khởi đầu thuận lợi đó.
Bạn nên chuẩn bị áo choàng cho bé, một bức hình với chiếc áo choàng dễ thương chắc chắn sẽ là kỉ niệm đẹp đối với cả bé và gia đình.
Bạn cũng nên chuẩn bị thêm các bỉm cho bé vì số ngày mình không thể xác định trước được số ngày nằm viện. Tùy từng tình hình của mẹ và bé mà bác sĩ có thể kéo dài thời gian theo dõi.
Bạn nên chuẩn bị thêm một chiếc địu mềm dành cho trẻ sơ sinh để có thể hỗ trợ bạn trong việc bế bé di chuyển. Và đó cũng trở thành một món đồ kỉ niệm khi bé được về nhà.
Bạn cần chuẩn bị sẵn một bộ váy thật đẹp để mặc khi ra viện. Vừa mới sinh, bụng vẫn còn to nên bạn hãy chọn bộ rộng, tốt nhất nên là váy.
Phương tiện để đón 2 mẹ con về nhà cũng là vấn đề cần được chú ý. Ô tô chắc chắn là phương tiện tốt nhất dù bạn ở gần hay xa bệnh viện. Mọi đồ đạc để thuận tiện cho chuyến đi đều cẩn chuẩn bị sẵn.

Kinh nghiệm dành cho các bà mẹ đã sinh trước khi ra viện
Trang phục của mẹ và bé khi xuất viện cũng cần được chuẩn bị kỹ lưỡng

Nhìn chung ngày vượt cạn của một người mẹ cần được chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi thứ. Để trả lời cho câu hỏi “chuẩn bị đồ đi sinh gồm những gì” bạn cần liệt kê danh sách theo từng mục. Từ đó sẽ không bỏ sót bất cứ gì. Ngoài ra vẫn luôn lưu ý với các mẹ bầu là bên cạnh việc sắp xếp giỏ đồ đi sinh thì bạn cần chú ý chế độ ăn uống, nghỉ ngơi và khám thai thường xuyên để có thể theo dõi tốt nhất tình hình của con, sẵn sàng đón con chào đời. Chúc mẹ bầu có quá trình vượt cạn thành công, mẹ tròn con vuông.
 
Thiết kế và phát triển website bởi Kenhdichvu.vn