Tin tức - Sự kiện

Mách bạn cách làm sạch tai an toàn tại nhà

Ráy tai là cách mà cơ thể tự làm sạch tại, loại bỏ bụi bẩn hay các cặn bã khác có trong tai. Vệ sinh tai cần được làm thường xuyên, tuy nhiên không nên lạm dụng việc này bởi nếu làm không đúng cách có thể gây ra những tổn thương cho tai. Vậy cách làm sạch tai đúng theo kiến nghị của y bác sĩ là như thế nào? Cùng theo dõi bài viết dưới đây và điều chỉnh lại thói quen của mình sao cho hợp lý, giúp giữ đôi tai luôn sạch sẽ bằng một cách an toàn nhất nhé.
MỤC LỤC BÀI VIẾT

Khi nào chúng ta cần vệ sinh tai?

Cơ thể người là một cỗ máy rất thông minh và hiện đại, cho tới nay thì chưa có một thiết bị máy móc nào có thể thay thế được con người. Điều đó được thể hiện ngay ở cơ chế tự làm sạch của bộ phận tai. Ráy tai được hình thành do tế bào da chết , các tuyến nhỏ trong các kênh ở tai ngoài liên tục tiết ra nước nên ở một số người ráy tai thường ướt. Ráy tai có thể cuốn theo bụi bẩn và các cặn ra ngoài, đồng thời có khả năng bôi trơn và bảo vệ tai bằng đặc điểm tạo ra tính acid trong ống tai, giúp cơ thể tiêu diệt được vi khuẩn. Với cấu trúc tai chếch từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài và tiếp giáp với các khớp cắn nên vô hình chung khi xương hàm tác động vào ống tai giúp đẩy ráy tai ra ngoài, đồng thời mang theo bụi bẩn và các chất cặn.
Do đó, nếu không phải trường hợp đặc biệt thì chúng ta không nên vệ sinh tai quá nhiều lần.. Nhưng việc vệ sinh tai là cần thiết khi có ráy tai nhiều, bị ứ đọng trong tai do không thể rơi ra ngoài theo cách thông thường được và gây ra ảnh hưởng tới khả năng nghe. Khi đó bạn có thể cảm thấy các triệu chứng bít tắc ở một hoặc cả hai tai. Các triệu chứng đó khá rõ ràng, bạn có thể cảm thấy:
  • Đau tai
  • Tai có mùi khó chịu
  • Cảm giác ù tai
  • Giảm khả năng nghe
  • Cảm giác tai bị bít kín
Đây là những dấu hiệu cho thấy bạn cần làm sạch tai. Nhưng quan trọng là bạn cần chọn cách làm sạch tai đúng, áp dụng các biện pháp an toàn, bởi nếu không bạn sẽ vô tình đẩy ráy tai vào sâu bên trong và khi đó hậu quả khá nghiêm trọng.
 
Đau tai là dấu hiệu nghiêm trọng
Đau tai là dấu hiệu nghiêm trọng, bạn cần kiểm tra và vệ sinh tai kịp thời

Các cách làm sạch tai an toàn

Chúng ta thường thấy có rất nhiều người thường xuyên vệ sinh tai ở mọi lúc, mọi nơi, mọi thời điểm và bằng bất cứ thứ gì họ nghĩ có thể cho được vào tai. Điều đó vô cùng nguy hiểm. Họ không những khiến ráy tai bị đẩy vào sâu hơn trong ống tai mà đôi khi còn làm tổn thương, xước da hay ảnh hưởng tới màng nhĩ, bộ phận xương nhỏ ở trong tai. Sử dụng bông tai để làm sạch tai là điều chúng ta thường xuyên làm nhưng mọi người chưa lường hết được sự nguy hiểm của vật dụng này. Nếu bông kém chất lượng, đôi khi sẽ bị nằm lại ở trong tai, sau đó nếu không lấy ra được có thể nhiễm bẩn, tạo môi trường cho vi khuẩn phát triển, gây ảnh hưởng tới tai. Vì vậy nguyên tắc vệ sinh tai theo các bác sĩ tai mũi họng đưa ra là không đưa bất kì vật gì nhỏ hơn khuỷu tay của bạn vào trong tai. Vậy để vệ sinh tai đúng cách từ bên ngoài, chúng ta nên áp dụng một số phương pháp sau, những cách này giúp bạn lấy sạch ráy tai và bảo vệ đôi tai bạn.

Vệ sinh tai bằng cách sử dụng vải mềm

Bạn nên chọn tấm vải mềm, thấm ướt bằng nước ấm sau đó lau nhẹ vùng ngoài tai. Trong khi lau bạn nhớ cử động nhẹ nhàng để tránh làm xước hoặc gây nên những tổn thương cho tai. Sau đó bạn nên áp khăn ấm, mềm đó vào phần lỗ tai, để hơi nước ở khăn có thể được thẩm thấu làm mềm các ráy ra, rồi lấy dụng cụ chuyên khoa lấy ráy tai ra một cách nhẹ nhàng.

Sử dụng các dung dịch như nước muối, oxy già...làm sạch tai

Hiện nay, tại các nhà thuốc bán rất nhiều các dung dịch nhỏ tai. Bạn có thể dễ dàng làm sạch tại theo các chỉ dẫn và liều dùng ghi trên nhãn của từng dung dịch. Một số dung dịch làm sạch tai an toàn được khuyên dùng hiện nay gồm:
  • Nước muối sinh lý
  • Dầu khoáng
  • Dầu dưỡng cho em bé
  • Glycerin
  • Peroxide
  • Oxy già (Hydrogen Peroxide)
  • Nước muối sinh lý
Với các dung dịch này, bạn cần nhỏ một lượng nhỏ vào tai, nhỏ nhẹ để giọt dung dịch men theo thành ống tai vào trong. Tránh nhỏ trực tiếp vào trong tai. Đợi khoảng 5 phút, sử dụng các dụng cụ làm sạch tai. Bạn lưu ý cần tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ một cách nghiêm chỉnh đối với từng loại dung dịch bởi mỗi loại sẽ có những phản ứng khác nhau với cơ thể. Trong trường hợp bạn gặp phải các triệu chứng khó chịu thì nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa tai- mũi-họng để kiểm tra ngay nhé.
 
Sử dụng các dung dịch rửa tai an toàn
Nên sử dụng những dung dịch được Bộ Y tế khuyến cáo để làm sạch tai

Cách vệ sinh tai bằng ống tiêm

Bạn có thể làm sạch tai mình bằng một chiếc ống tiêm. Với phương pháp này, bạn có thể rửa sạch
ống tai nhẹ nhàng bằng nước sạch hoặc nước muối. Với cấu tạo ống tai, nước và ráy tai sẽ cùng nhau chảy ngược ra ngoài. Với phương pháp này bạn chú ý nên làm mềm ráy tai bằng các dung dịch y tế chỉ định trước đó khoảng 15 đến 30 phút. Điều đặc biệt quan trọng nếu bạn sử dụng cách rửa tai này chính là lực tác động tới ống tiêm cần nhẹ nhàng, vừa đủ, tránh tạo lực mạnh sẽ gây tổn thương cho vùng tai giữa, ứ đọng dung dịch trong khoang tai giữa sẽ dẫn tới viêm tai.

Những sai lầm khi vệ sinh tai

Rất nhiều người biết đến vai trò quan trọng của việc vệ sinh tai, mặc dù biết đến những cách vệ sinh tai đúng nhưng vẫn không ít người mắc phải những sai lầm, khiến tình trạng tai càng thêm nghiêm trọng. Đôi khi những cách rửa tai sai lầm đưa họ tới những bệnh về tai khó có thể cứu vãn như viêm tai giữa cấp và mãn tính, thủng màng nhĩ. Những sai lầm khi vệ sinh tai thường mắc phải bao gồm:

Rửa tai quá thường xuyên

Nhiều người cho rằng một đôi tai khỏe là khi chúng luôn luôn sạch bóng và suy nghĩ đó khiến họ liên tục rửa. Tuy nhiên đó là một suy nghĩ sai lầm. Tai có cơ chế hoạt động riêng và bản thân cấu tạo của chúng cũng đã tự có thể làm sạch ở mức cơ bản. Hơn nữa tai cũng cần có ráy tai để ngăn chặn sự xâm nhập của vi khuẩn và các loại côn trùng nhỏ vô tình chui vào tai bạn. Khi bạn rửa tai thường xuyên, vô tình sẽ làm mất đi lớp lông mao phủ trên bề mặt ống tai, đây có thể coi là bẫy của bụi bẩn và côn trùng khi xâm nhập vào tai. Nếu mất đi phần lông mao đó, phần thành ống tai trở nên nhẵn bóng và mất đi lớp bảo vệ, khiến tai mất dần khả năng chống lại các xâm nhập không đáng có đó. Hơn nữa, đối với ống tai nhẵn bóng, không có khả năng chống lại sự xâm nhập thì chúng cũng dễ bị tổn thương. Sau khi rửa tai quá nhiều lần, khi đưa vào dung dịch làm sạch dẫn tới tai bị rát, ngứa. Khi đó phản xạ của chúng ta là tiếp tục gãi, ngoáy và dẫn tới tai bị tổn thương nặng hơn.

Dùng bông tăm lấy ráy tai

Đại đa số người dân sử dụng bông tăm để lấy ráy tai bởi loại vật dụng này dễ mua với giá rẻ. Mặc dù mọi người sử dụng với tần suất lớn nhưng ít ai tìm hiểu và đảm bảo được chất lượng sản phẩm cũng như công dụng của bông tăm. Cần lưu ý rằng bông tăm không thể giúp bạn lấy những phần ráy tai bám chặt vào thành ống tai mà chỉ khiến những phần ráy tai đó bị đẩy vào sâu bên trong. Điều này có thể làm giảm hiệu quả rung của màng nhĩ. Để thời gian dài và tích tụ nhiều sẽ khiến tổn thương thính giác vĩnh viễn. Bông tăm chỉ nên dùng để làm sạch phần khoang ngoài của tai, sau khi tắm hoặc bị dính nước để có thể thấm những dung dịch bẩn ra khỏi tai. Lựa chọn bông tăm cũng cần chọn loại chất lượng tốt, bông cần được quấn chắc chắn với cán và chất lượng bông cần đảm bảo vệ sinh.
 
Dùng bông tăm có thể làm tổn thương tai
Làm sạch tai bằng bông tăm kém chất lượng sẽ làm tổn thương tai

Dùng nến xông tai

Ở không ít Spa hay các cơ sở thăm khám tai không đảm bảo chất lượng thường có phương pháp lấy ráy tai bằng nến xông. Loại nến xông này chính là một cây nến rỗng được làm từ sáp ong. Nhiều người cho rằng việc đốt cháy một đầu cây nến sẽ tạo được lực hút và mang ráy tai ra ngoài một cách dễ dàng và nhẹ nhàng, không gây tổn thương cho tai. Nhưng đó là quan niệm sai lầm, cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ( FDA) đã cho rằng việc dùng nến xông không những không lấy được ráy tai mà còn có thể gây bỏng nghiêm trọng bên trong tai. Điều này rất dễ hiểu bởi có những người ráy tai khô, cứng bám rất chắc vào thành tai, dùng dụng cụ lấy ráy tai cũng cần có thời gian làm mềm. Kèm theo nữa có những ráy tai hình thành kết lại với nhau, tạo kích thước lớn, lực hút của nến là không đủ. Nguy hiểm hơn nữa nếu tàn tro của nến theo đường hút mà rơi vào trong tai chắc chắn gây nên những tổn thương không hề nhỏ. Nghiêm trọng có thể dẫn tới bỏng, rát khu vực ngoài tai. Nói chung đây là một phương pháp làm sạch tai không hiệu quả và rất nguy hiểm.
 
Nến xông tai không phải cách làm an toàn
Nến xông tai không phải cách làm sạch tai an toàn

Dùng máy hút ráy tai sai cách

Trên mạng xã hội thời gian gần đây chia sẻ khá nhiều về chiếc máy lấy ráy tai với nhiều công dụng tuyệt vời. Tuy nhiên đã có không ít người tiền mất tật mang bởi sử dụng sai cách. Nhà sản xuất tạo ra máy có thể lấy ráy tai là thật và cũng có những hướng dẫn khá cụ thể, chi tiết. Nhưng không ít người sử dụng sai cách, lạm dụng dẫn tới dùng lực quá mạnh làm ảnh hưởng tới các vách ngăn cũng như màng nhĩ. Điều đó khiến tai gặp không ít mối nguy hiểm về khả năng nghe.
Nhìn chung việc làm sạch tai cũng như việc giữ vệ sinh các bộ phận khác trên cơ thể, bạn có thể tự mình làm sạch ngay tại nhà nhưng cần tìm hiểu và thực hiện các phương pháp làm sạch theo khuyến cáo của các y bác sĩ. Nếu trong trường hợp khó lấy ráy tai, vẫn khó chịu sau khi đã làm sạch tai thì lời khuyên hữu ích nhất chính là đến gặp bác sĩ tai mũi họng để được xử lý và điều trị kịp thời.

Những lưu ý để bảo vệ đôi tai

Để có một đôi tai khỏe, có khả năng nghe tốt và luôn sạch sẽ, bạn cần tuân thủ không ít những lưu ý. Những điều đó đều rất dễ thực hiện. Vậy nên việc bảo vệ đôi tai là vấn đề hết sức đơn giản. Bạn hãy theo dõi và ghi nhớ những điều cơ bản sau:

Không đưa bất kì vật nhỏ gì vào tai: Vấn đề này mặc dù đã có không ít bác sĩ khuyến cáo rộng rãi trong cộng đồng tuy nhiên vẫn còn rất nhiều người bỏ ngoài tai lưu ý này. Những vật nhỏ tuy không gây ra những tổn thương lớn nhưng đối với cơ quan bé nhỏ như tai thì đó là vấn đề nghiêm trọng. Chúng sẽ làm xước ống tai hoặc nguy hiểm hơn là tổn thương màng nhĩ hay kết hợp với ráy tai thành dị vật trong tai. Vì thế, không nên đưa bất kì vật nhỏ nào vào tai khi không có sự hướng dẫn, giám sát của y, bác sỹ, cụ thể như tăm, móng tay, sợi kim loại…
 
Không nên đưa các vật nhỏ vào tai
Không nên đưa các vật nhỏ, sắc nhọn vào tai

Hạn chế tiếp xúc với tiếng ồn quá lớn: Âm thanh tới màng nhĩ, làm bộ phận này rung lên, khi đó não bộ nhận diện được âm thanh. Chúng ta đã biết, màng nhĩ có độ đàn hồi nhất định, nếu âm thanh tới quá lớn sẽ làm thủng màng nhĩ, ảnh hưởng tới khả năng nghe của tai. Vì vậy nên hạn chế đến những nơi bị ô nhiễm tiếng ồn, hoặc trong trường hợp công việc thường xuyên tiếp xúc âm thanh mạnh thì cần đeo chụp tai bảo vệ, nút tai. Ví dụ những người thường xuyên làm việc ở công trường, gần các thiết bị máy móc, nếu tiếng ồn quá lớn cần đeo bịt tai, nút tai.

Dành ra những khoảng nghỉ ngơi sau thời gian sử dụng tai nghe, headphones:
 Luôn để âm lượng ở mức khuyến cáo của thiết bị, một cách dễ hình dung hơn là bạn nên nghe ở mức mà khi mở, người bên ngoài không thể nghe thấy bạn đang nghe gì. Đối với âm thanh trong ô tô cũng vậy, bạn nên để ở mức vừa phải. Nếu bạn bật ở mức âm lượng lớn, vô tình bạn đã tạo ra ô nhiễm tiếng ồn và tai bạn cũng bị kích ứng giống như đang ở trong môi trường có tiếng ồn quá lớn. Khi đó màng nhĩ sẽ bị ảnh hưởng dẫn tới giảm khả năng nghe của tai.

Mách bạn cách làm sạch tai an toàn tại nhà Tin liên quan: "Làm rõ" vấn đề đeo tai nghe nhiều có hại không?

Làm sạch, làm khô tai sau khi bơi, tắm tránh tình trạng nước ứ đọng trong tai: Sau khi tắm hoặc bơi, bạn nên sử dụng khăn để thấm hút bớt nước bị rò vào tai hoặc làm một vài động tác để nước có thể tự rơi ra ngoài. Nước để ứ đọng trong tai rất nguy hiểm. Đối với nước có nhiều hóa chất làm sạch sẽ khiến lớp bảo vệ tai bị ăn mòn, nhiều lần trong thời gian dài sẽ khiến tai bị kích ứng. Đó là chưa kể tới những bể bơi mất vệ sinh, nguồn nước không được đảm bảo sẽ khiến tai bị nhiễm khuẩn. Vấn đề đầu tiên dễ bắt gặp nhất khi có nước bẩn trong tai đó chính là viêm tai giữa, mủ sẽ tụ trong phần khoang tai giữa, làm tổn thương màng nhĩ và dẫn tới điếc trong khoảng thời gian không xa. Vì vậy, hãy dùng khăn sạch và bông tăm chất lượng loại bỏ toàn bộ nước trong tai sau khi tiếp xúc với nước nếu có thể.

Thường xuyên vệ sinh răng miệng, mũi
: Theo cấu tạo thì khoang miệng, mũi thông với tai. Vì thế nếu bạn bị viêm họng lâu ngày, chảy nước mũi, một thời gian dài và nặng sẽ dẫn tới bị ù tai, tức là khoang tai đã bị ảnh hưởng. Vì vậy, một cách tốt nhất để phòng các bệnh về tai là giữ cho khoang mũi, miệng luôn sạch sẽ, khỏe mạnh. Bạn nên súc miệng nước muối thường xuyên, vệ sinh bằng các phương pháp an toàn.

Luôn quan tâm tới sức khỏe của tai
: Nếu như bạn có bất cứ thay đổi nào dù là nhỏ nhất về khả năng nghe của mình thì bạn cũng nên kiểm tra với bác sĩ. Đặc biệt, khi bạn sử dụng một loại thuốc mới nào đó, nếu xảy ra các dấu hiệu bất thường của thính lực, gặp khó khăn khi giữ thăng bằng hay thấy tai bị ù thì nên lập tức tới gặp bác sĩ. Trong trường hợp tự nhiên thấy đau tai, mất thính lực hoặc có máu, mủ chảy từ tai thì ngay lập tức cần đến tìm bác sĩ. Với hệ thống máy soi tai mũi họng hiện đai, các bác sĩ có thể nhanh chóng tìm ra nguyên nhận, từ đó đưa ra phương án xử lý kịp thời. Hãy quan tâm tới đôi tai của mình bởi dù nhỏ nhưng chúng giúp ta cảm thụ được hết những âm thanh đẹp đẽ trong cuộc sống này.
 
Nên đi khám tai khi có bất kì dấu hiệu lạ nào
Bạn nên khám tai khi có bất kỳ dấu hiệu lạ nào của thính giác

Trên đây là thông tin cơ bản về việc vệ sinh tai. Bạn cần chọn cách làm sạch tai đúng, chuẩn khoa học và tuân thủ các an toàn về y tế. Với mọi trường hợp bạn nên nhờ tới sự tư vấn và hỗ trợ của các y, bác sĩ có kinh nghiệm. Đối với nhu cầu lấy ráy tai tại nhà, vệ sinh tai thường ngày thì bạn có thể sử dụng các dụng cụ y tế hỗ trợ. Tuy nhiên bạn cần sử dụng đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất và các y bác sĩ. Ngoài ra, hãy thường xuyên cập nhật các tin tức liên quan đến vấn đề về tai trên trang web của Công ty Cổ phần Y tế Việt Nhật, để có thể giữ cho mình một đôi tai sạch sẽ và khỏe mạnh nhé.
Thiết kế và phát triển website bởi Kenhdichvu.vn